Thiết kế Deutschland (lớp tàu tuần dương)

Hiệp ước Versailles đã giới hạn tải trọng của tàu chiến chủ lực của Đức ở mức 10.000 tấn dành cho "tàu bọc thép". Ý tưởng này là nhằm giới hạn Đức không có gì nhiều hơn những hải phòng hạm, thực chất là những thiết giáp hạm tiền-dreadnought lạc hậu, không có khả năng thách thức các cường quốc hải quân Đồng Minh Anh, PhápHoa Kỳ. Người Đức đã sử dụng một số tiến bộ trong kỹ thuật để chế tạo một tàu chiến chắc chắn bên trong tải trọng bị giới hạn, bao gồm việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật hàn để kết nối các thành phần của lườn tàu (thay cho việc dùng đinh tán ghép các tấm thép chồng lên nhau vốn là tiêu chuẩn vào thời đó), tháp pháo chính ba nòng (được sử dụng lần đầu tiên trên những thiết giáp hạm Áo-Hung lớp Tegetthoff vào năm 1912), và động cơ diesel cho hệ thống động lực. Ngay cả với như thế, mọi chiếc trong lớp đều vượt hơn giới hạn tải trọng do Hiệp ước Versailles quy định (thoạt tiên được cấu trúc với tải trọng 10.600 tấn, sau đó tăng lên 12.100 tấn), nhưng người Đức tuyên bố trọng lượng choán nước của chúng nằm trong giới hạn 10.000 tấn của Hiệp ước.

Lớp tàu tuần dương Deutschland vào năm 1933

Đặc tính chính trong thiết kế của lớp Deutschland là sử dụng pháo với cỡ nòng đủ lớn, 280 mm (11 inch), để áp đảo hầu hết mọi tàu tuần dương đối phương đủ nhanh có thể đuổi kịp nó; trong khi lại đủ nhanh để vượt thoát mọi tàu chiến chủ lực đối phương có khả năng đánh chìm nó. Hải quân Hoàng gia Anh có ba tàu chiến-tuần dương hiện đại đủ khả năng săn đuổi những chiếc Deutschland một cách hiệu quả; Repulse, RenownHMS Hood tương đương với Deutschland về tốc độ nhưng được bảo vệ tốt hơn nhiều và có hỏa lực vượt trội hơn. Lớp tàu chiến-tuần dương thời Thế Chiến I Kongo của Nhật Bản cũng có khả năng tương tự.

Hải quân Đức cũng biết rằng hải quân các nước đang đóng những tàu chiến mới vốn nhanh hơn và mạnh hơn so với lớp Deutschland. Ví dụ như, việc công bố ý định chế tạo sáu chiếc thuộc lớp Deutschland đã đưa đến việc Pháp cho ra đời những "thiết giáp hạm nhanh" cỡ nhỏ của riêng họ: lớp Dunkerque; nhưng họ vẫn hy vọng vào một ưu thế tạm thời. Ưu thế này không tồn tại lâu: lớp Deutschland có tốc độ tối đa 28,5 hải lý trên giờ (52,8 km/h), bị xem là quá chậm vào lúc bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ tám năm sau khi chiếc đầu tiên trong lớp được hạ thủy. Các con tàu có tầm hoạt động khoảng 30.000 km (18.600 dặm).